Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

A. GIỚI THIỆU VỀ XÃ MINH SƠN

          I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN CƯ

          1. Vị trí địa lý

Xã Minh Sơn nằm ở phía Tây Nam của huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 05km, theo quốc lộ 1A. Ranh giới xã được xác định:

- Phía Bắc giáp xã Sơn Hà, Thị trấn Hữu Lũng, xã Nhật Tiến;

- Phía Nam giáp xã Quang Thịnh, Hương Sơn huyện Lạng Giạng tỉnh Bắc Giang;

- Phía Đông giáp xã Minh Hòa;

- Phía Tây giáp xã Đô Lương huyện Hữu Lũng, xã Đông Sơn huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang.

          2. Dân cư: 

- Đến đầu năm 2018 xã Minh Sơn8.049 nhân khẩu/1.925 hộ/10 thôn. Có 3 dân tộc chủ yếu là Nùng, Kinh, Tày và các dân tộc khác. Trong đó dân tộc Nùng chiếm 53,25%; dân tộc Kinh chiếm 42,68%,;dân tộc Tày chiếm 3,62%; các dân tộc khác chiếm 0,45%.

          - Thôn có đông dân cư nhất là Cã Ngoài 1.154 nhân khẩu/296 hộ.

          - Thôn có dân cư ít nhất là Đồng Diện 500 nhân khẩu/112 hộ.

          Xã  Minh Sơn có 10  đơn vị thôn gồm: Bến Lường, Đồn Vang, Văn Miêu, Lót - Bồ Các, Cã Trong, Cã Ngoài, Đồng Diện, Đình Bé, Coóc Mò, Hố Mười.

          II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

          1. Địa hình, đất đai, thổ nhưỡng

          Xã Minh Sơn nằm trong khu vực miền núi phía Đông Bắc, có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các con suối và khe sâu với các đặc điểm chính:

          - Các dải đồi chạy theo hướng Bắc Nam, thấp dần về phía Nam.

          - Độ cao tuyệt đối nơi cao nhất là 323,0m.

          - Độ cao tuyệt đối nơi thấp nhất là 10,0m.

          - Độ cao trung bình là 150,0m.

          - Độ dốc bình quân từ 180 - 250.

           Đất đai của xã Minh Sơn cơ bản được chia làm 4 loại chính sau:

          - Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá mẹ macma axit chiếm tới 70% diện tích của xã phân bố ở phía Bắc, Tây và Nam.

          - Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đất đá mẹ phiến thạch sét, chiếm 20% diện tích của xã, phân bố phía Tây và phía Đông.

          - Đất dốc tụ chân đồi chiếm tỷ lệ nhỏ, phân bố rải rác.

          - Đất bồi tụ ven sông suối chiếm tỷ lệ nhỏ, phân bố ven sông Thương và các con suối nhỏ.

          Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.479,74ha.

          Trong đó:    - Đất nông nghiệp: 3.156,42ha

                             - Đất ở: 94,32ha

                             - Đất chuyên dùng: 207,85ha

                             - Đất chưa sử dụng: 0,04ha

          Đất đai, thổ nhưỡng xã Minh Sơn rất thuận lợi cho sản xuất nông - lâm nghiệp. Chủ yếu đất phù hợp với trồng cây lâm nghiệp, cây lâu năm và cây ăn quả.

          2. Khí hậu, thủy văn

          Xã Minh Sơn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu miền núi phía Bắc mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông khô lạnh và ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm là 22,70. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 28,50 vào tháng 7. Nhiệt độ trung bình thấp nhất là 150 vào tháng 1.

          Lượng mưa trung bình hàng năm là 832,6mm. Tập trung vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10 chiếm 90,7% lượng mưa cả năm.

          Chế độ thủy văn của xã chịu ảnh hưởng chính của sông Thương, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng các suối nhỏ và ao hồ nằm rải rác trong khu dân cư. Đây là nguồn cung cấp nước cho các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

          3. Tài nguyên rừng

          Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 1.749,92ha chiếm 50,3% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất rừng của xã là rừng sản xuất chủ yếu là bạch đàn và keo phục vụ cho nguyên liệu giấy và nguồn chất đốt của gia đình đem lại giá trị lớn cho ngành nông - lâm nghiệp.

          4. Giao thông

          Xã Minh Sơn có tuyến quốc lộ 1A đi qua trung tâm xã với chiều dài 08km, từ tuyến đường này có thể liên kết dễ dàng đến trung tâm huyện Hữu Lũng và các trung tâm kinh tế lân cận quan trọng khác như: thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Kép …

          Ngoài ra, từ xã có thể liên kết dễ dàng sang các huyện, xã lân cận khác bằng các tuyến như sau:

          - Tuyến đường trục xã kết nối từ quốc lộ 1A qua thôn Đình Bé sang xã Minh Hòa.

          - Tuyến đường liên xã (ĐH 90) kết nối thị trấn Hữu Lũng - xã Minh Sơn - xã Đô Lương.

          - Tuyến đường huyện kết nối từ quốc lộ 1A đi qua trường Cao đẳng nghề, trung tâm điều hành sát hạch xe và chạy dọc theo hướng sông thương sang thị trấn Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang.

          III. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

          Đầu thế kỷ XX, ngày 11/4/1900, Hữu Lũng nằm trong tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1908 đổi thành châu Hữu Lũng gồm 02 tổng, 16 xã. Xã Minh Sơn khi đó có tên là xã Chiêu Tuấn thuộc tổng Vân Nham, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.

          Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, Chính phủ cách mạng lâm thời tiến hành xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước mới. Ngày 08/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội) trong cả nước.

          Ngày 21/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 quy định về bầu cử, tổ chức, cách làm việc của HĐND và UBND. Tổ chức chính quyền mới gồm 04 cấp: Trung ương, Tỉnh, Huyện, Xã; xóa bỏ cấp tổng (lúc này xã Chiêu Tuấn thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang).

          Tháng 11/1948, huyện Hữu Lũng sáp nhập xã Chiêu Tuấn với xã Cù Sơn thành xã Tuấn Sơn.

          Ngày 30/11/1953 xã Tuấn Sơn được tách ra thành 04 xã gồm: xã Hòa Thắng, xã Minh Hòa, xã Sơn Hà và xã Minh Sơn.

          09 năm trường kỳ gian khổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 07/5/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nhân dân xã Minh Sơn cùng toàn Đảng, toàn dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chính quyền nhân dân, khắc phục những khó khăn do chiến tranh và chế độ cũ để lại, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

            Nối tiếp truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nhân dân Minh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kịp thời chi viện sức người, sức của thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hoàn thành nghĩa vụ hậu phương; cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến bước trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

          Sau đợt giảm tô, cải cách ruộng đất, ngày 29/7/1956, do yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn bao gồm 24 xã và 01 thị trấn. Xã Minh Sơn chính thức thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          Hai cuộc kháng chiến đã qua, cũng như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc tháng 02 năm 1979 đã có biết bao người con ưu tú của quê hương Minh Sơn đã ngã xuống cho độc lập - tự do của dân tộc, nhiều gia đình và cá nhân đã được vinh danh có công với cách mạng.

          Có được cuộc sống thanh bình, tự do, độc lập, người dân Minh Sơn vẫn không quên những năm tháng bị đày đọa dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc Minh Sơn với ý thức trách nhiệm lớn lao của người công dân đang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

B. TIỀM NĂNG CỦA XÃ MINH SƠN

 

Minh Sơn có hệ thống các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn được phát triển tạo điều kiện cho kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa.  Đặc biệt xã có đường Quốc lộ 1A chạy qua xã đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế xã hội của xã.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Minh Sơn được phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là hệ thống giao thông đã và đang tạo ra những thuận lợi cơ bản cho việc thu hút các nhà đầu tư ngoài địa phương cũng như phát triển các ngành kinh tế của xã.

Xã Minh Sơn có hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ địa phương đoàn kết, nhiệt tình, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Đây là yếu tố thuận lợi rất cơ bản trong việc tổ chức và huy động nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Với những lợi thế trên, Minh Sơn có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các xã trong và ngoài huyện. Trong tương lai gần, việc tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư của các tổ chức trong, ngoài huyện đối với xã Minh Sơn là hết sức thuận lợi, tạo đà thúc đẩy phát triển một nền kinh tế đa dạng.

- Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp: Thực hiện nghị quyết về đổi mới kinh tế nông nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi năng suất và hiệu quả kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, mô hình phát triển sản xuất.  

          Kết quả đạt được đã đưa năng suất sản lượng cây trồng tăng, như lúa gieo cấy các loại giống mới năng suất cao có chân ruộng đạt 54 tạ/ha, ngô đạt 52 tạ/ha.

            Thực hiện mục tiêu chuyển  đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây cây ăn quả được coi là một trong những cây trồng chủ lực ở Minh Sơn như: bưởi, cam canh, thanh long ruột đỏ, đặc biệt là cây dứa. Dứa được trồng tập trung ở các thôn Cã Trong, Coóc Mò. Với những ưu điểm khả năng chịu hạn tốt, dễ trồng, ít sâu bệnh, không mất quá nhiều công chăm sóc nên cây dứa được bà con nhân dân; bên cạnh đó Dứa là cây ngắn ngày, trong vòng 1 năm đã được thu hoạch, nên tạo nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên và theo nhận định của người dân là cao hơn so với trồng cây bạch đàn, keo. Với những ưu điểm đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây lâu năm sang trồng dứa. Diện tích dứa toàn xã khoảng 25ha. Trong những năm tới, vẫn coi trọng phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế và chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm và bảo hộ thương hiệu cho cây dứa.

Bên cạnh cây dứa, người dân xã Minh Sơn còn tập trung phát triển trồng cây tre bát độ lấy măng tập trung tại thôn Bến Lường có khoảng 1,5 km chiều dài đất ven bờ sông Thương có tính phù sa cao tiêu chuẩn cho trồng tre Bát Độ lấy măng, Với khoảng  35 hộ gia đình với diện tích trồng đạt 9,5 ha, có gia đình thu nhập từ măng tre được 100 triệu đồng/ năm điển hình về mô hình trồng măng tre như hộ gia đình ông Lã Hữu Thanh, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Luân.    

            Toàn xã  hiện có 174 vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Các vườn ươm tập trung chủ yếu ở các thôn: Coóc Mò, Cã Ngoài, Đồn Vang… mỗi năm các vườn ươm này sản xuất khoảng 1.557 vạn cây giống các loại, không chỉ đáp ứng nhu cầu trồng rừng của nhân dân trong xã mà còn cung ứng cho các địa phương khác với thu nhập khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi năm.

- Về chăn nuôi, giữ vững và phát triển đàn gia súc gia cầm số lượng tăng, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi Lợn Rừng, Gà Sao, Vịt Trời cho thu nhập kinh tế cao với mức thu nhập hằng năm đạt từ 100 triệu đến hơn 300 triệu đồng/ năm, như hộ ông Hướng Xuân Thái (Bến Lường), hộ ông Nguyễn Hồng Minh (Cã Trong), hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Đồn Vang)…và còn nhiều hộ gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư cho phát triển chăn nuôi.

- Hoạt động của các ngành nghề dịch vụ: Xã Minh Sơn có vị trí địa lý thuận lợi cho các ngành nghề dịch vụ phát triển bền vững như nhà hàng ăn uống, dịch vụ sửa chữa cơ khí, hàng tạp hóa, các xưởng sản xuất gỗ bóc, sản xuất gạch nung, gạch cay bê tông…. Trên địa bàn xã có hơn 20 xưởng sản xuất gỗ bóc, khoảng 200  cơ sở các ngành ngề dịch vụ khác. Những dịch vụ đa ngành nghề này đã thu hút và tạo việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương xã với mức thu nhập kinh tế ổn định từ 3,5 đến 5 triệu đồng/ tháng.

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Minh Sơn là xã vùng I nằm ở phía Tây Nam của huyện Hữu Lũng, tổng diện tích đất tự nhiên là 3.479,74ha; trong đó đất lâm nghiệp là 1.749,92 ha, đất trồng lúa là 479,38ha, còn lại là diện tích đất khác.

Toàn xã có 10 thôn với 8.049 nhân khẩu/1.925 hộ. Có 03 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Kinh, Tày và các dân tộc khác... Trong đó dân tộc Nùng chiếm 53,25%, dân tộc Kinh chiếm 42,68%, dân tộc Tày chiếm 3,62%, các dân tộc khác chiếm 0,45%. Nhân dân cần cù lao động, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Với những đặc điểm trên trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới xã Minh Sơn đã hoàn thành về đích 19/19  tiêu chí theo sự chỉ đạo của huyện và tỉnh năm 2016.

 Được sự quan tâm trong lãnh đạo chỉ đạo và sự giúp đỡ của cấp uỷ Đảng, Chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện và sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn và sự hưởng ứng của nhân dân tham gia đóng góp tiền của, ngày công và hiến đất để xây dựng nông thôn mới.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2016

Đến hết năm 2015 xã đã đạt 12/19 tiêu chí và được UBND tỉnh Lạng Sơn lựa chọn là 1 trong 13 xã do tỉnh chỉ đạo trực tiếp hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới trong năm 2016. Trong những năm qua toàn thể cán bộ và nhân dân xã Minh Sơn đã nỗ lực cố gắng xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được như sau:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Đảng uỷ xã thống nhất ra nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với việc ra nghị quyết lãnh đạo, Đảng uỷ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Tiến hành phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng thôn, từng tiêu chí. Sau khi Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Tổ khảo sát thực trạng nông thôn mới được thành lập và tiến hành điều tra, tập hợp số liệu tình hình kinh tế - xã hội, hiện trạng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của xã để làm cơ sở lập quy hoạch.

2. Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới: tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và nhân dân hiểu và thấy rõ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp tiền để xây dựng các công trình. Sử dụng nhiều kênh tuyên truyền để quán triệt chủ trương, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ có sự dân chủ bàn bạc tham gia góp ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân nên khi công bố quy hoạch cũng như việc tổ chức thực hiện được cán bộ nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong 6 năm triển khai thực hiện đã tổ chức được 35 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện tới các cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường. Qua công tác tuyên truyền đã vận động được 40 hộ dân hiến được 3.427m2 đất các loại, trị giá khoảng 165.671.827đ để làm các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, các công trình thủy lợi. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc đã bàn giao cho xã 1.560mđất do Công ty quản lý, để xây dựng Nhà văn hóa thôn Hố Mười.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

1. Tổng số vốn huy động

Tổng số vốn huy động xây dựng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2016 là 51 tỷ 421 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn nhà nước hỗ trợ là: 34 tỷ 760 triệu đồng;

- Nhân dân đóng góp là: 14 tỷ 136 triệu đồng. (Trong đó hiến đất và ngày công của nhân dân là 1 tỷ 118 triệu đồng);

- Huy động nguồn khác (vốn chính phủ Nhật Bản không hoàn lại, các doanh nghiệp, cá nhân) là 2 tỷ 525 triệu đồng;

- Nhân dân hiến được 3.427m2 đất các loại.

IV. XÂY DỰNG KHU DÂN CƯ KIỂU MÃU

Năm 2017, bên cạnh việc giữ vững, củng cố và phát huy các tiêu chí đã đạt được, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng được chọn làm điểm để thực hiện xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu.

Thực hiện Hướng dẫn số 107/HD-VPĐP ngày 17/5/2017 của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn về hướng dẫn tạm thời thực hiện xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ban Quản lý xây dựng NTM xã Minh Sơn tiến hành họp và thống nhất lựa chọn Cụm dân cư số 03, thôn Bến Lường, xã Minh Sơn làm địa điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Trong đó, thôn đã tiến hành họp và lấy ý kiến của nhân dân, kết quả 27/27 hộ gia đình thuộc cụm dân cư số 3 nhất trí tham gia xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”.

Sau khi lựa chọn được địa điểm thực hiện xây dựng, xã đã tiến hành đi khảo sát, lập dự toán chi tiết hỗ trợ xây dựng khu dân cư kiểu mẫu cho các hộ gia đình. UBND xã đã xây dựng Kế hoạch về triển khai thực hiện xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu” tại thôn Bến Lường xã Minh Sơn năm 2017. Đồng thời Quyết định thành lập tổ chỉ đạo xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu tại cụm dân cư số 03 thôn Bến Lường gồm: Bí thư chi bộ làm Tổ trưởng, Trưởng thôn  - Tổ phó, các tổ viên gồm các thành phần Ban công tác mặt trận khu dân cư của thôn. Giao nhiệm vụ cho các thành viên của Tổ công tác và cán bộ chuyên trách nông thôn mới xã hàng ngày phải trực tiếp xuống thôn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của từng hộ. Có sổ nhật ký ghi công việc đã làm của hộ để đối chiếu với bảng kê công việc hộ gia đình phải làm. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đảm bảo các tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Dưới sự hướng dẫn, quan tâm chỉ đạo sát sao của BCĐ huyện cùng sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân dân xã Minh Sơn nói chung và Cụm dân cư số 3 thôn Bến Lường nói riêng, việc thực hiện xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, cụ thể:

- Toàn khu có 660m đường giao thông đã bê tông hóa 100%, đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho người dân.

- Hệ thống điện sinh hoạt trong khu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật ngành điện; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; trên trục đường chính của khu có lắp đặt hệ thống điện cao áp chiếu sáng.

- 27/27 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định, trong đó 100% các hộ gia đình đã chỉnh trang ốp cổng đồng bộ, làm mái vòm, trồng cây xanh trước cổng để làm điểm nhấn của khu; 100% các hộ gia đình trồng hàng rào cây xanh và xanh hóa các tường rào cứng nhằm tạo cảnh quan môi trường sinh thái thân thiện giữa con người với thiên nhiên.

- UBND xã tổ chức trồng hoa cây cảnh hai bên đường chính của khu, cổng vào nhà dân với sự tham gia của các cán bộ công chức xã, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 16 và 27 hộ dân trong Cụm dân cư.

- Khu dân cư có 20 hộ gia đình trồng tre bát độ lấy măng với diện tích khoảng 9,5 ha, các vườn được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đều phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ dân được hỗ trợ cây ăn quả theo nhu cầu đăng kí để cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập.

- Các hộ gia đình trong khu dân cư luôn có ý thức giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, xây dựng chuồng trại, khu vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường. Đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp, các hộ gia đình trong cụm đều có ý thức thu gom rác thải vào hố rác gia đình để xử lý. Tổng vệ sinh toàn khu 01 lần/tuần, đảm bảo tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp.

- Khu dân cư có 95% người dân tham gia BHYT, 100% hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của khu dân cư; luôn đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự xã hội.

- UBND xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, cũng như văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng dân cư. Nhà văn hóa thôn đảm bảo về diện tích và chỗ ngồi (250 chỗ ngồi) cho người dân tham gia các buổi sinh hoạt chung. Có công trình vệ sinh sạch sẽ, khuôn viên được trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan xanh sạch đẹp. Nhà văn hóa được sơn lại và được trang bị tủ sách phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân trong thôn.

- Thôn thống nhất tiến hành xây dựng khu sinh hoạt chung cho cụm dân cư số 03 làm nơi hội họp, vui chơi, thể dục thể thao cho người dân.        

Tổng kinh phí xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu là: 730.287.000đ, trong đó:

+ Nhà nước hỗ trợ: 430.000.000đ

+ Nhân dân đóng góp: 300.287.000đ

D. PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

 

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Hữu Lũng và các phòng ban chuyên môn của huyện, trên địa bàn xã đến nay đã thực hiện được 03 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất:

      1. Mô hình phát triển sản xuất năm 2014

Năm 2014 UBND xã được phân bổ kinh phí 100 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện mô hình trồng tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa. Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã Minh Sơn thống nhất chọn địa bàn thôn Bến Lường mở rộng diện tích trồng cây tre bát độ lấy măng theo đề án được phê duyệt là 7,6 ha; thực tế trồng được 9,5ha; hợp tác xã cung cấp giống cho dân trồng là 6.196 cây; cấp phân bón NPK cho nhân dân trồng và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân được 50 hộ dân trong dự án. Có gia đình thu nhập từ măng tre được 100 triệu đồng/năm, điển hình về mô hình trồng măng tre như hộ gia đình ông Lã Hữu Thanh, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Luân.

      2. Mô hình phát triển sản xuất năm 2016

          Năm 2016 xã Minh Sơn hỗ trợ phát triển sản xuất mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi với tổng kinh phí là 350 triệu đồng. Hỗ trợ một số hộ gia đình và hợp tác xã về cây giống, con giống và phân bón. Hiện nay mồ hình trồng cây ăn quả (cam, bưởi diễn...), mô hình chăn nuôi của hợp tác xã sinh trưởng phát triển tốt; bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

          Ngoài hỗ trợ mô hình trồng mới, xã còn hỗ trợ cho các mô hình có sẵn như mô hình trồng cam, bưởi diễn của hộ ông Hoàng Quốc Lược (thôn Cã Trong), mô hình nuôi gà sao, vịt trời, gà 6 ngón... của hộ ông Đỗ Mạnh Lai (thôn Bến Lường). Các mô hình hàng năm đều đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

          3. Mô hình phát triển sản xuất năm 2017

          Năm 2017 xã Minh Sơn thực hiện hỗ trợ phát triển trồng rau bò khai và cây dứa tại 02 thôn Cã Trong, Hố Mười với diện tích 7,53 ha; tổng kinh phí 420 triệu đồng. Có 28 hộ gia đình đăng kí tham gia. Ban quản lý xây dựng NTM xã đã xây dựng đề án, kế hoạch phát triển hỗ trợ sản xuất và đã được UBND huyện Hữu Lũng phê duyệt. Hiện tại, mô hình trồng rau bò khai và cây dứa bước đầu cho hiệu quả và thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác cho người sản xuất để thực hiện mô hình đảm bảo hiệu quả, ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy các hộ dân trên địa bàn xã mở rộng vùng nguyên liệu cây ăn quả, nhân ra diện rộng, từ đó có thu nhập ổn định cho nhân dân.

 

 

About