Skip to main content

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LẠNG SƠN (17/10/1950 - 17/10/2022)

1. Bối cảnh lịch sử

Thực hiện chủ trương tạm thời hoà hoãn với thực dân Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946. Theo tinh thần Hiệp định Sơ bộ, ngày 07/7/1946, quân tiếp phòng Pháp đóng quân tại thị xã Lạng Sơn. Phạm vi đóng quân chủ yếu của chúng là ở khu vực phố Cửa Đông và một phần Cửa Nam xuống Mai Pha.

Ngay sau khi ổn định địa điểm đóng quân tại thị xã, thực dân Pháp bắt đầu có những hành vi vi phạm quy định về phạm vi đóng quân, nhiều lần đưa quân từ thị xã Lạng Sơn lên chiếm đóng các đồn ở Đồng Đăng, Bản Sâm, Lộc Bình... Trước hành vi trắng trợn của chúng, lực lượng vũ trang của ta đã cản lại, có những cuộc xung đột nhỏ ở những nơi chúng lấn chiếm như Nà Tâm, khu ga Đồng Đăng, ga Lạng Sơn. Chúng còn thường xuyên ngang nhiên đi lại trong thị xã, có nhiều hành động khiêu khích chính quyền ta và nhân dân.

Thực hiện dã tâm xâm lược mở rộng địa bàn chiếm đóng, ngày 20/11/1946, quân Pháp gây ra vụ khiêu khích đánh chiếm Hang Dê (thị xã Lạng Sơn). Tiếp đó, chúng gây xung đột quân sự ở các khu vực Văn Miếu, Ba Toa trong thị xã. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 11, tự vệ và nhân dân thị xã đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 27/11/1946, các đơn vị bộ đội của ta chủ động rút ra vùng ven thị xã, dựa vào địa hình thuận lợi, lập phòng tuyến tiếp tục chiến đấu ngăn chặn địch. Bị ta tiêu hao, tiêu diệt và bị bao vây, cô lập, địch phải dùng máy bay tiếp tế cho lực lượng trong thị xã. Cuộc chiến đấu kiên cường của Trung đoàn 11 đã gây cho địch một số thiệt hại, giam chân làm chậm âm mưu mở rộng chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan và nhân dân sơ tán an toàn, cùng cả nước chuẩn bị thế và lực kháng chiến.

Từ cuối tháng 11/1946, quân và dân Lạng Sơn bước vào thời kỳ mới, vừa xây dựng củng cố lực lượng mọi mặt, vừa tham gia chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã sát cánh cùng quân và dân cả nước anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược. Từ năm 1947, nhằm đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp tăng cường hoạt động quân sự, lập vành đai phong toả biên giới Việt - Trung, bao vây căn cứ địa Việt Bắc, cho quân đánh chiếm, càn quét, mở rộng phạm vi chiếm đóng xuống vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, thực dân Pháp huy động lực lượng mạnh hòng án ngữ tuyến đường số 4, tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hoá, các phương tiện chiến tranh, cung cấp cho lực lượng quân sự của chúng trên chiến trường chính ở Đông Khê.

 Yêu cầu cấp bách chiến lược của Đảng ta lúc này là quyết tâm đưa cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện tiến lên, đánh một trận thắng vang dội, phá vỡ thế bao vây phong toả biên giới của địch, nhằm giải phóng biên giới, mở thông giao lưu quốc tế, phát triển tiềm lực kháng chiến, giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường, đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự.

Trên cơ sở yêu cầu cấp bách chiến lược trên, bước sang năm 1950, Trung ương Đảng nhận định: “Hiện nay ở Bắc bộ, Tây Bắc là nơi yếu nhất và sơ hở nhất của địch. Đông Bắc là chiến trường quan trọng đối với ta cũng như đối với địch suốt từ nay cho đến khi chuyển sang tổng phản công”[1]. Thực hiện chủ trương tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới (còn gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong 2).  

 Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã phát động quân và dân trong tỉnh tích cực hoạt động, chuẩn bị sức người, sức của tham gia tổng phản công. Ban chỉ huy lực lượng vũ trang của tỉnh cũng gấp rút đề ra kế hoạch phối hợp tham gia chiến đấu với quân chủ lực của Bộ Quốc phòng và Quân khu Việt Bắc trên tuyến đường số 4.

Hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh, đông đảo quần chúng nhân dân đã nô nức tham gia các phong trào tăng gia sản xuất, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tham gia chiến đấu. Hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân vận chuyển cung cấp cho bộ đội, hàng trăm mét khối gỗ được khai thác để xây dựng lán trại, kho tàng phục vụ chiến đấu. Hàng nghìn người tham gia dân công, tiếp tế lương thực, tải đạn, sẵn sàng lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận.

2. Diễn biến và kết quả Chiến dịch Biên giới năm 1950; giải phóng Lạng Sơn

Tháng 7 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng tư lệnh làm Bí thư, trực tiếp lãnh đạo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch kiêm Chính ủy. 

Hướng tới Chiến dịch Biên giới do Trung ương Đảng và Bác Hồ phát động, ngày 25/7/1950, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Lạng Sơn, Uỷ ban huy động của các cấp nhanh chóng được thành lập và tích cực đi vào hoạt động; với tinh thần thi đua ái quốc cùng quân dân Việt Bắc, nhiều đơn vị vũ trang, dân quân du kích Lạng Sơn được khẩn trương củng cố, sẵn sàng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; hàng vạn thanh niên nam, nữ trong tỉnh được huy động, hưởng ứng tham gia dân công phục vụ Chiến dịch Biên giới. Hội Phụ nữ tỉnh đã cử nhiều đội tải thương tham gia phục vụ ở các binh trạm bộ đội. Công tác chuẩn bị cho chiến dịch diễn ra khẩn trương trong tinh thần phấn khởi, tin tưởng ở thắng lợi, tất cả cho chiến trường đánh thắng. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới, nhân dân các dân tộc Cao - Bắc - Lạng nói chung, Lạng Sơn nói riêng đã đóng góp công sức vô cùng to lớn, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến”.

Đến cuối tháng 7/1950, Trung ương Đảng quyết định lấy đông bắc là hướng chính của chiến dịch, tây bắc là hướng nghi binh phối hợp. Lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch gồm: Đại đoàn bộ binh 308, 2 trung đoàn bộ binh (174 và 209), Trung đoàn pháo 95, Tiểu đoàn 426, Tiểu đoàn 428 Liên khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 888 Lạng Sơn, các đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, 1 đại đội xe hơi (60 xe), 1 đại đội công binh. Ngoài ra còn có 10 vạn dân công các dân tộc Lạng Sơn, Cao Bằng được huy động tham gia sửa chữa, mở rộng đường sá, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch[2].

Ngày 12/8/1950, Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng trong cả nước: Chiến dịch Biên giới là một chiến dịch rất quan trọng. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, nhắc nhở các chiến sĩ ngoài mặt trận dũng cảm, kiên quyết tiêu diệt địch. Ngay sau khi có Chỉ thị của Trung ương, Bộ Tư lệnh mặt trận Biên giới triệu tập Hội nghị cán bộ toàn mặt trận, quyết định triển khai chiến dịch. Hội nghị giao nhiệm vụ cho Tỉnh ủy Cao Bằng và Tỉnh ủy Lạng Sơn gấp rút chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện phục vụ chiến dịch.

Để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ tỉnh để phổ biến tình hình, phát động phong trào thi đua: “Tất cả cho chiến trường đánh thắng”.

Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công  đồn Đông Khê, cứ điểm tập trung quan trọng của địch trên đường số 4. Sau hai ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Trên đà thắng lợi ở Đông Khê, các lực lượng chủ lực, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương liên tiếp tiến công tiêu diệt địch trên toàn tuyến đường số 4. Từ ngày 03 đến ngày 08/10/1950, quân ta tiêu diệt 2 binh đoàn chủ lực của Pháp, đồng thời tiêu diệt cánh quân cứu viện của chúng từ Hà Nội lên.

Trên tuyến đường số 4 từ Đình Lập đến Thất Khê (Tràng Định), bộ đội địa phương, dân quân du kích luôn tập kích đánh tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải rút toàn bộ lực lượng về co cụm ở thị xã Lạng Sơn. Các địa phương trong tỉnh lần lượt thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai, quân và dân ta tiến lên làm chủ tình hình, triển khai các hoạt động làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng. Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định được giải phóng. Ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng được giải phóng. Đêm ngày 17/10/1950, địch đã rút toàn bộ khỏi thị xã Lạng Sơn, thị xã Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng.

Ngay sau khi thị xã Lạng Sơn được giải phóng (17/10/1950), Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến Hành chính tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, các ban, ngành  và nhân dân trong tỉnh nhanh chóng tiếp quản, thu dọn giải quyết hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định đời sống của nhân dân và nơi ở, làm việc của cán bộ, lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước. Đến ngày 19/10/1950, quân Pháp rút hết khỏi địa bàn huyện Lộc Bình. Tiếp đó, chiều ngày 30/10/1950, được tin quân ta chuẩn bị tấn công vào Đình Lập, địch vội vã thu quân rút về huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Rạng sáng ngày 31/10/1950, quân ta tiến vào giải phóng và tiếp quản huyện Đình Lập, chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trải qua thời gian chưa đầy một tháng chiến đấu vô cùng quyết liệt, gian khổ, anh dũng và quả cảm, Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận Chiến dịch Biên giới, đã xoá sổ liên khu phòng thủ biên giới phía Bắc của thực dân Pháp, tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, thu 3.000 tấn vũ khí, 80 xe ô tô và hệ thống kho tàng địch bỏ lại; giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với một vùng đất đai rộng lớn, khoảng 4.000 km², hơn 35 vạn dân.

Tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng do Đảng ta lãnh đạo. Trong chiến thắng Chiến dịch Biên giới, giải phóng Lạng Sơn, Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào đã đóng góp sức người, sức của, phối hợp hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch. Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, toàn tỉnh huy động được 290.146 ngày công phục vụ tiếp tế, vận tải, tổ chức được 5 đại đội dân công phục vụ chiến dịch với tổng quân số 2.000 người tham gia, tiến hành đào được 3.643 hầm hào chiến đấu, bạt được 56 quãng đường, phá 19 cầu cống các loại để cản bước quân thù. Cũng trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Lạng Sơn vận động đóng góp được 200 tấn thóc, 2.500 tấn ngô, bán và ủng hộ 998 con trâu, 450 con bò và 243 con ngựa[3], góp phần đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 30.000 bộ đội tham gia chiến dịch.

3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

* Nguyên nhân thắng lợi

Đảng bộ Lạng Sơn đã quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” của Trung ương Đảng và Bác Hồ; chủ động kịp thời đề ra chủ trương, nhiệm vụ sát hợp với  tình hình thực tiễn của địa phương, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân trong tỉnh, từng bước giành được những thắng lợi quan trọng.

Đảng bộ Lạng Sơn đã phát động được phong trào quần chúng rộng rãi, tạo thành sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh để tham gia kháng chiến, làm nên những thắng lợi chung trên đường số 4, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 và giải phóng Lạng Sơn ngày 17/10/1950.

* Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động phòng ngự về chiến lược, ta ngày càng giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy hiệp đồng binh chủng, đánh dấu bước nhảy vọt về nghệ thuật tiến công của quân đội ta.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, đã giải phóng khu vực đất đai rộng lớn, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố. Đường biên giới được khai thông, Việt Nam được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Quân và dân các dân tộc Lạng Sơn càng tin tưởng, tự hào về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Phát huy Chiến thắng Biên giới, giải phóng Lạng Sơn, Đảng bộ,  quân và dân các dân tộc Lạng Sơn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước

Phát huy tinh thần thắng lợi của chiến thắng Biên giới năm 1950, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đóng góp sức người, sức của cùng cả nước  làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Lạng Sơn đã trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, huy động được hàng chục tấn lương thực, thực phẩm; đóng góp hàng trăm ngàn ngày công làm đường vận chuyển; hàng nghìn mét khối gỗ phục vụ chiến dịch. Đã có rất nhiều chiến sĩ của quê hương Xứ Lạng có mặt trên khắp các mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu lập thành tích sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955-1975), phát huy truyền thống đường số 4 anh hùng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn  quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên đã lên đường trực tiếp cầm súng chiến đấu,  phục vụ chiến đấu, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Lạng Sơn trở thành “Cảng nổi” kiên cường, mãi mãi đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca, là ngọn đuốc sáng soi đường cho thế hệ trẻ tiếp bước đi lên xây dựng quê hương giàu mạnh.

 Trong 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1985), trong bối cảnh vừa hoà bình, lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn nêu cao ý chí kiên cường, đoàn kết, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công xuất sắc. Trong cuộc chiến đấu này đã có nhiều tập thể, đơn vị tiêu biểu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, đóng góp công sức và trí tuệ nỗ lực vươn lên giành những thành tựu mới. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố tuyến phòng thủ biên giới vững chắc. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tiền đề đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cùng phát triển theo. Giáo dục, y tế có bước chuyển biến mới. Hệ thống các trường học, bệnh xá, bệnh viện được nâng cấp đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

 Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015); toàn tỉnh đã có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 toàn tỉnh có 225/694 trường đạt chuẩn quốc gia; có 145/200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 72,6%. 

 Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn quyết tâm đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình hình chính trị luôn được giữ vững ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường công tác đấu tranh chống “âm mưu hoạt động” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước; đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, xây dựng Lạng Sơn đổi mới và phát triển. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới được giữ vững, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc

Kỷ niệm 72 năm Ngày giải phóng Lạng Sơn (17/10/1950 - 17/10/2022), là dịp để tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Kế tục  và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, toàn thể cán bộ, đảng viên, và nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra ./.    

                                            Nguồn: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH LẠNG SƠN

 [1] - Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương về mở chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc, ngày 6/1/1950, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2001.

[2] - Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Lạng Sơn (1947 - 2017), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Xb 2020, tr52

[3] - Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ (1945 - 2005), NXB Chính trị quốc gia, XB 2007, tr.36.

 

About